PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
1. Nhà trường coi việc thường xuyên giao tiếp là thành tố cốt lõi của mọi đường hướng, phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ vì qua đó, trẻ cảm nhận được sự chia sẻ, thương yêu và hiểu được ý nghĩa của việc “được chăm sóc”, và nhờ đó, trẻ có được cảm giác an toàn, sẵn sàng tham gia giao lưu, chia sẻ và cảm thấy gắn bó hơn với bạn bè, thầy cô giáo và nhà trường. Việc giao tiếp còn được mở rộng đến đối tượng phụ huynh trong tinh thần hợp tác và trách nhiệm đối với sự tiến bộ của con em mình.
2. Nhà trường xem mỗi trẻ là một cá thể quan trọng, có những đặc điểm tâm sinh lý riêng và luôn luôn quan tâm đến nhu cầu, hứng thú, ý thích và những điểm mạnh, yếu của từng trẻ mà từ đó, tạo ra những tiếp sức tương hợp với trình độ và mức tiến bộ cá nhân của trẻ. Do đó,các phương pháp giảng dạy luôn luôn được thay đổi một cách linh hoạt cho phù hợp với đối tượng từng trẻ, như phương pháp quan sát, sử dụng trực quan hình ảnh, đối thoại, diễn giải, nêu vấn đề v.v..
3. Nhà trường luôn coi trọng các điều kiện, không gian vật chất để giúp phát huy tốt nhất niềm hưng phấn và tính sáng tạo của trẻ thông qua các trải nghiệm, tìm tòi, khám phá trong thực tế với phương châm “chơi mà học và học qua làm” (Chơi là cách trẻ em học tập về thế giới - Play is a way children making senses of the world và Learning through doing). Do vậy, trong mọi hoạt động vui chơi, học tập, mọi trẻ được làm, được thử và được sai để qua đó trẻ tri nhận và tiếp thu bằng các giác quan một cách cân bằng: nghe, nói, nhận biết … Từ đó, trẻ được phát triển tư duy logic, khả năng phán đoán, phát triển trí nhớ, óc quan sát, chú ý, tưởng tượng khi tự tìm hiểu các sự vật, hiện tượng…
4. Nhà trường xem trọng việc kết hợp hài hoà giữa giáo dục cá nhân với việc giáo dục trẻ trong nhóm bằng việc tổ chức hợp lý các hình thức hoạt động cá nhân (dựa trên nhu cầu, hứng thú của từng trẻ), các hoạt động theo nhóm nhỏ và cả lớp (dựa trên đặc điểm độ tuổi của nhóm, lớp) theo sát với điều kiện thực tế, mà qua đó, trẻ được hình thành các kỹ năng sống cá nhân, kỹ năng làm việc theo nhóm cũng như thói quen vận động thể chất tích cực, tạo ra sự phát triển toàn diện cho mọi trẻ.