Nên để con tự nhận ra điều sai và vui vẻ nói lời xin lỗi. Ảnh minh họa: Bé Trần Anh Khoa (Ngôi Sao Nhí)
Mẹ đọc “Sách to không lo đau mắt” cho Nghé, có câu chuyện dạy trẻ cách nói lời xin lỗi và cách tha lỗi cho người khác. Bạn Thỏ chẳng may va vào người bạn Voi, bạn Thỏ nói: “Xin lỗi bạn Voi, tớ không cố ý”. Bạn Voi nói: “Hà hà, không sao đâu, bạn Thỏ đừng lo.”
Nghé áp dụng rất thành thạo, một hôm, chẳng may Nghé làm đổ nước ra sàn nhà.
- Nghé: Con xin lỗi mẹ, con chẳng may, con không cố ý.
- Mẹ: Hà hà, không sao đâu, Nghé con đừng lo. Nhưng nước bị đổ ra sàn nhà rồi, bây giờ con sẽ làm gì?
- Nghé: Con sẽ lấy khăn lau.
- Mẹ: Đúng rồi, con làm tốt lắm. Khi mình làm sai, mình cần phải xin lỗi và tìm cách khắc phục lỗi. Vậy lần sau, con sẽ làm gì để không làm đổ nước ra sàn nhà?
- Nghé: Con sẽ rót nước từ từ ạ!
Có hôm, mẹ đội mũ bảo hiểm chẳng may va vào đầu Nghé. Mẹ vội nói:
- Ôi, mẹ xin lỗi Nghé, mẹ chẳng may, mẹ không cố ý
- Nghé: Hà hà, không sao đâu mẹ Nhung còi đừng lo.
Mẹ cúi xuống lấy tay xoa xoa đầu Nghé và thơm vào chỗ đau rồi hỏi:
- Mẹ: Con đã hết đau chưa?
- Nghé: Hết đau rồi ạ.
Dạy con xin lỗi
Muốn con cái làm gì, chúng ta cần phải làm gương cho con.
Hãy nói xin lỗi bất cứ ai, vào cứ khi nào chúng ta cảm thấy mình có lỗi hoặc cảm thấy tiếc vì đã không thể làm gì đó cho ai đó. Khi nhận ra mình có lỗi, hãy chân thành xin lỗi và tìm cách khắc phục lỗi, rút kinh nghiệm để lần sau không mắc lỗi tương tự nữa.
Không nên bắt ép con xin lỗi khi con chưa sẵn sàng
Chúng ta cũng cần giải thích với con rằng xin lỗi phải chân thành chứ không phải là nói cho có vì, càng không nên dùng vũ lực bắt con phải xin lỗi ngay lập tức trong khi con vẫn chưa cảm thấy mình có lỗi hoặc chưa sẵn sàng để nói lời xin lỗi. Điều chúng ta mong muốn là con nhận ra lỗi lầm của mình từ đó con sẽ tự nói ra lời xin lỗi.
Lời xin lỗi có thể nói ra ngay lúc đó hoặc sau đó đều có thể chấp nhận được miễn là nó chân thành.
Gợi ý cho con về cách khắc phục lỗi lầm
Thay vì bắt ép con xin lỗi và bảo con phải làm điều gì đó để sửa lỗi, hãy hỏi ý kiến của con về việc đó, chẳng hạn như “Nước đổ ra sàn nhà rồi, con sẽ làm gì?” “Lần sau con sẽ làm gì để không đổ nước nữa?” Như vậy, con sẽ có cảm giác chủ động, tự mình mong muốn làm điều tốt.
Cũng như vậy, khi bố mẹ làm điều gì sai, bố mẹ cũng chủ động tìm cách khắc phục để làm gương cho con.
|
Phạm Nhung