• Tiếng Việt
  • English

Kiến thức

NHỮNG ĐIỀU MẸ NÊN BIẾT KHI CON BỊ TAY CHÂN MIỆNG
Một vài lưu ý dưới đây mẹ cần biết để giúp con có thể phòng tránh và chữa trị hiệu quả bệnh tay chân miệng nhé!
Tuy chưa vào đỉnh điểm mùa dịch, xong hiện nay đã có khá nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Đặc biệt hơn, có những bé bị tái lại chỉ sau một thời gian ngắn. Điều này, khiến các mẹ vô cùng lo lắng và bối rối.
Một vài lưu ý dưới đây mẹ cần biết để giúp con có thể phòng tránh và chữa trị hiệu quả bệnh tay chân miệng nhé!

"Vắc xin" là xà phòng
Mẹ của bé Trường Giang - 16 tháng tuổi (Phú Xuyên - Hà Nội) chia sẻ: Chỉ trong có hơn 2 tháng mà con mình bị tay chân miệng tới tận 2 lần. Đã dặn ông bà rửa tay nhiều lần cho cháu khi cháu đi chơi và cho nhập viện ngay khi con quấy khóc nhiều (vì điều kiện mẹ làm ở xa nhà). Vậy mà còn vẫn mắc bệnh khiến mẹ rất lo lắng và mệt mỏi.
Trên thực tế thì Trường Giang chỉ là một trong số rất nhiều các bé bị tái lại bệnh tay chân miệng. Có nhiều mẹ lo lắng khi con mình đã bị năm trước rồi không biết năm sau có bị lại hay không? Và làm sao có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Tới nay, tay chân miệng là một bệnh dịch chưa có vắc xin để điều trị. Nhưng một biện pháp được coi là vắc xin hữu hiệu để ngăn ngừa căn bệnh này các mẹ nên biết đó chính là rửa tay bằng xà phòng.
Rửa tay bằng xà phòng là một việc mới nghe qua thì tưởng đơn giản nhưng không phải mẹ nào cũng biết cách rửa tay cho con sao cho đúng và rửa vào những thời điểm nào để ngăn ngừa bệnh một cách hiệu quả nhất?

Các nhà khoa học cho rằng: Rửa tay thường xuyên là một cách tốt nhất để tránh bị bệnh và lan bệnh cho cơ thể. Theo đó thì, những thời điểm cần phải rửa tay bằng xà phòng cho bé là: Trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho hoặc hắt hơi vào tay, sau khi vui chơi hoặc tiếp xúc ở những nơi công cộng hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy tay của con bẩn.
Tốt nhất nên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy cho bé theo những bước sau:
Bước 1: Làm ướt bàn tay, lấy 3 - 5ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều.
Bước 2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia và chà sạch mu bàn tay và kẽ các ngón tay (từng bên).
Bước 3: Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay.
Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngón tay.
Bước 5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch ngón tay cái bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.

Phát hiện sớm
Tay chân miệng là một trong những bệnh có nhiều thể khác nhau. Giai đoạn ủ bệnh có thể kéo dài từ 3 - 7 ngày, sau đó đến giai đoạn khởi phát: 1 - 2 ngày và cuối cùng là giai đoạn toàn phát: 3 - 10 ngày. Chính vì giai đoạn ủ bệnh khá dài nên cha mẹ cần phải chú ý để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Mẹ Song Thư chia sẻ: "Con mình bị bệnh tay chân miệng nhưng lúc đầu chỉ thấy con sốt mà không rõ nguyên nhân, sau đó sốt cao kèm theo quấy khóc. Mình cho con uống hạ sốt và đưa vào viện, bác sỹ khám và kết luận: họng viêm loét, 2 amidal có chấm mủ, không phát hiện ra là bị tay chân miệng nên bác sỹ kê thuốc và dặn theo dõi.

Mình cho con về dùng thuốc theo đơn bác sỹ kê. Con hết sốt nhưng ăn kém và liên tục chỉ vào miệng kêu đau. Lúc này mẹ kiểm tra thì thấy con có những nốt chấm đỏ như bị nhiệt ở lưỡi. Lần này sau khi khám và làm xét nghiệm bác sỹ mới kết luận là bị tay chân miệng".

Thực tế thì không phải mẹ nào cũng cẩn trọng như mẹ Song Thư. Mẹ của bé Trường Giang cho biết: "Mình đi làm xa nhà, nên để con ở nhà với ông bà ngoại. Con dù đã bị chân tay miệng vào tháng trước nhưng phần vì kém hiểu biết, phần vì chủ quan nên sau hơn 1 ngày cháu có biểu hiện khác thường và quấy khóc mới được đưa đến bệnh viện và kết quả là phải nằm điều trị 1 tuần trong bệnh viện vì bệnh tay chân miệng".

Thậm chí, có nhiều mẹ chỉ thấy con sốt mà không có biểu hiện gì khác thường lại đổ tại thời tiêt hoặc có mẹ lại quan niệm rằng: Tay chân miệng là phải khi nào các nốt ban nổi lên ở lòng bàn tay, chân và miệng thì mới là tay chân miệng....
Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng có nhiều thể khác nhau. Bệnh không có biểu hiện và diễn tiến giống nhau hoàn toàn ở các bé khác nhau. Nhiều gia đình có cả 2 con bị tay chân miệng nhưng biểu hiện của mỗi một đứa trẻ lại môt khác. Có bé chỉ sốt nhẹ, rồi đau họng, sau đó mới có chấm ban như nhiệt ở lưỡi, và cuối cùng mới lan ra tay, chân và mông. Cũng có những bé thì chỉ sốt nhẹ vào tối hôm trước đến hôm sau khắp chân, tay, miệng đã đầy những vết loét....
Vì vậy, mẹ phải cực kỳ tỉnh táo và theo dõi con sát sao mới có thể phát hiện ra sớm các dấu hiệu bất thường ban đầu. Khi đã phát hiện con có dấu hiệu bất thường rồi cũng không nên chủ quan mà nên đưa con đến bác sỹ khám ngay nhằm phát hiện ra bệnh sớm để thuận tiện cho việc điều trị và theo dõi.

Rửa tay bằng xà phòng là các tốt nhất để bảo vệ bé khỏi bệnh tay chân miệng. (Ảnh minh họa)

Đừng quá lo lắng
Đối với các mẹ có con bị tay chân miệng chắc hẳn các mẹ sẽ rất lo lắng. Tuy nhiên, bạn cũng không nên vì quá lo lắng mà làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc con.

Cần phải đảm bảo rằng: Con được bác sỹ thăm khám kịp thời để chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh. Có nhiều mẹ tỏ ra không yên tâm khi có con bị tay chân miệng mà bác sỹ lại bảo cho về theo dõi tại nhà vì mẹ cho rằng: Không phải chuyên môn thì mẹ khó mà biết được bệnh có nặng lên hay không?
Tuy nhiên, hãy lấy làm vui mừng, vì bạn sẽ không phải vất vả để "chiến đầu" với sự quá tải ở các bệnh viện như hiện nay và một khi con được điều trị tại nhà có nghĩa là bệnh của bé ở thể nhẹ, chưa có gì đáng lo ngại.

Do chưa có thuốc đặc trị nên bệnh tay chân miệng đã trở thành một căn bệnh lây nhiễm phổ biến ở trẻ em hiện nay. Chính vì vậy, hãy chăm sóc tốt cho bé ở các khâu từ vệ sinh, đến dinh dưỡng để bé có thể phòng tránh và hồi phục một cách nhanh chóng nếu đã mắc bệnh.

Các mẹ nên cập nhật thêm nhiều thông tin, cũng như kinh nghiệm xung quanh căn bệnh này. Nếu đã có con nhiễm bệnh thì cũng dừng quá nôn nóng mà phải thật bình tĩnh và đưa bé đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị, các mẹ nhé!

Theo Trí Thức Trẻ