• Tiếng Việt
  • English

Tin tức - sự kiện

Nhà trẻ cho con công nhân: SOS!
Vụ việc cháu Đỗ Nhất Long, 18 tháng tuổi - con của chị Võ Thị Huyền, công nhân (CN) Khu công nghệ cao, Q.Thủ Đức, TPHCM - bị "mẹ mìn" Hồ Ngọc Nhờ đạp đến chết đang gây xôn xao dư luận, giống như tiếng chuông cảnh tỉnh cả xã hội liên quan đến một lĩnh vực gây lo lắng cho hàng vạn lao động từ nhiều năm qua: Thiếu nhà trẻ cho con CN.

Những cái chết oan ức của con trẻ, những vụ bạo hành dã man các cháu bé, dù chỉ là những con số ít ỏi, cá biệt nhưng liệu đã đủ làm nhức nhối tâm can của những người làm chính sách đối với CNLĐ?


Bài 1: Phập phồng gửi con

Việc đầu tiên của chị Lê Thị Mỹ Hảo (Công ty Dumex - KCX Linh Trung 1 - TPHCM), sau khi rước con từ một nhóm trẻ gia đình tự phát về - là xem hết thân thể con xem có vết bầm, vết cắn nào không. "Một người mà trông cả chục đứa trẻ thì làm sao chu đáo được. Từ ngày gửi trẻ, thằng bé không tăng được cân nào. Thấy con mà xót xa!"- chị Hảo âu lo tâm sự.


Không gửi đó, thì biết gửi đâu
Vợ chồng anh Võ Công Bình - CN Cty Upgain VN, (KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức, TPHCM) - có 2 con, cháu trai đang học lớp 1, cháu gái mới 3 tuổi, thu nhập của hai vợ chồng được gần 10 triệu/tháng. Anh kể: "Lúc vợ sinh, mẹ tôi có lên chăm, dự tính sau 6 tháng khi vợ tôi đi làm lại bà sẽ ở lại trông cháu. Nhưng cả gia đình 6 người ở trong căn phòng chừng 15m2, rất chật chội, khổ sở nên mẹ tôi phải về quê.


Gửi con về quê không đành, để con ở nhà thì không có người trông nom, nên phương án tốt nhất là gửi con cho chị hàng xóm trông hộ. Mỗi tháng chị lấy 1,5 triệu đồng. Chị ấy cũng có con nhỏ nên không đi làm, người ta giữ con của họ rồi giữ luôn con mình. Vậy cùng đỡ".


Hầu hết những cặp vợ chồng khác có con nhỏ cũng lựa chọn như vợ chồng anh Bình. Chị Hoàng Như Mai - CN Cty Freetrend, Q.Thủ Đức - thổ lộ: "Có vợ chồng đưa bà nội, bà ngoại lên giữ cháu rồi nhận luôn 1 - 2 trẻ ở các nhà xung quanh về giữ. Đôi khi mình chẳng biết người ta tính khí thế nào, có đánh chửi con mình không, cho ăn uống ra sao, nhưng không gửi vào đó thì biết gửi đi đâu.


Chị em quanh đây đều chọn nhóm trẻ gia đình gửi con để có thời gian đi làm, vợ ở nhà giữ con, một mình chồng đi làm thì làm sao đủ sống. Biết họ không có kinh nghiệm dạy trẻ, cũng lần đầu làm mẹ, tận dụng phòng trọ vốn đã rất chật chội, nóng bức để giữ trẻ... Biết con mình phải khổ nhưng có còn chỗ nào để gửi đâu. Nhiều lúc tôi cứ giả mù, giả điếc không nghe con khóc, con la, cắn răng mà chịu thôi!".


Nghỉ việc để trông con
Theo quy định của pháp luật lao động, nữ CN được nghỉ thai sản 6 tháng. Nhưng hiện nay, các trường mầm non công lập chỉ nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, vì vậy trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi hầu hết phải gửi ở nhóm trẻ gia đình, vì không phải CN nào cũng có điều kiện nhờ nội, ngoại trông giữ. Theo chị Mai, thực ra, gửi con ở những nhóm trẻ gia đình cũng không rẻ hơn gửi ở những nhà trẻ công lập là bao, nhưng được cái thoải mái về thời gian.


Gửi ở những nhà trẻ, trường mẫu giáo công lập thì phải đón con đúng giờ, vợ hoặc chồng không được tăng ca. Nhưng gửi ở nhóm trẻ gia đình, có về trễ chỉ cần gọi điện nhờ người giữ trẻ giữ thêm vài tiếng, trả thêm tiền, tùy mức độ tăng ca mà phải trả thêm 300.000 - 600.000 đồng/tháng, thì không phải nơm nớp lo như gửi ở các nhà trẻ công lập.


Chị Nguyễn Thị Hằng - CN Công ty Nissey - KCX Tân Thuận - tính: "Tiền gửi con hằng tháng khoảng 1,2 triệu đồng, rồi tiền ăn, tiền sữa, tiền gửi ngoài giờ...


Tính ra mỗi tháng lương người mẹ đi làm cũng chỉ đủ chi phí gửi con và dư thêm một chút. Chính vì thế, ở TPHCM đã xảy ra tình trạng, nhiều CN đã chọn phương án nghỉ việc ở nhà giữ con thay vì gửi con cho nhóm trẻ, dù rằng như vậy, gánh nặng chi tiêu sẽ dồn hết lên vai người chồng, người cha, mà có khi thu nhập của họ cũng không nhiều nhặn gì.


"Biết là nghỉ việc trông con, gia đình sẽ khổ, nhưng như vậy đỡ phải lo lắng, vì gửi trẻ không biết con mình sẽ được chăm lo ra sao" - chị Dung - CN ở KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân - tâm sự.


Rất nhiều CN có tâm trạng như chị Dung và sự lo lắng trên không thừa, bởi thực tế, có không ít vụ việc mà bố mẹ buổi sáng đưa con đến lớp, chiều đã phải nhận xác con ở bệnh viện. Hoặc may mắn hơn, "thần chết" không đến, nhưng bị hành hạ mà nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần sẽ ám ảnh suốt đời người.


Có thể nhắc lại vụ "bảo mẫu" Quảng Thị Kim Hoa ở P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) liên tục túm tóc, giật ngửa mặt lên rồi trút cơm vào miệng, dùng thước, tay đánh tới tấp vào mặt các cháu đang được trông giữ tại nhà mình.


Vụ việc chỉ bị phát hiện khi một nhóm phóng viên đã bí mật ghi hình và phát lên sóng đài truyền hình. Hay như vụ việc "cô giáo" Lê Thị Lê Vy dán băng keo vào miệng cháu Đ.N.B.T, với mục đích cho bé ngừng khóc, nhưng kết quả cháu bị tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) sau đó.

Tag: dich vu viet bai chuan seo | may thoi khi | gian phoi thong minh | gian phoi quan ao | man cua | rem cua | san go | kim chi han quoc | kinh ap trong | cho thue xe di du lich | can cau ca | tinh dau | san go duc ...

Theo LĐ